Ứng phó hiệu quả với bão số 04 và đợt mưa lớn từ ngày 28/9 đến ngày 03/10
Sáng ngày 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dong (Phi-lip-pin), đi vào biển đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. Sau khi đi vào biển Đông, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến rạng sáng này 28/9 bão số 4 đã đi vào đất liền khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, sau đó đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 và ảnh hưởng của rìa phía Nam lưỡi áp cao lục địa kết hợp với hội tụ gió đông nam trên cao nên trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 28/9 đến 15 giờ ngày 03/10 là 276.3mm, có nơi cao hơn như Bình Thanh (Kiến Xương) 363.5mm, Thái Hưng (Thái Thụy) 361.2m.
(Hình ảnh: Đường đi của bão số 04, có tên gọi bão Noru)
Chủ động ứng phó ngay từ giờ đầu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành các Công điện số 14/CĐ-PCTT hồi 10h00’ ngày 24/9/2022, số 15/CĐ-PCTT hồi 11h30’ ngày 26/9/2022, số 16/CĐ-PCTT hồi 16h30’ ngày 03/10/2022, Công văn số 106/BCH-PCTT ngày 30/9/2022 chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, gió mạnh trên biển: Thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền và thuyền trưởng, các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; hạ thấp tối đa mực nước trong kênh, mương nội đồng, kể cả mực nước mặt ruộng để phòng úng cho lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung; sẵn sàng các biện pháp phòng úng ở mức cao nhất; thu hoạch diện tích lúa, hoa màu, cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch.
(Vận hành trạm bơm tiêu qua đê, tiêu úng cho các vùng úng cục bộ)
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão, đặc biệt là tình hình triển khai ứng phó với mưa lớn tại các địa phương, đơn vị. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã xuống địa bàn các huyện, thành phố để triển khai công tác ứng phó với thiên tai; tổ chức kiểm tra công tác tiêu nước và một số trọng điểm đê điều xung yếu.
Khi có mưa lớn do hoàn lưu bão số 04 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp, các ngành đã chủ động triển khai chỉ đạo công tác phòng và chống úng: đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước đệm, hạ thấp tối đa mực nước trong hệ thống, mực nước hệ thống được khống chế ở mực thấp nhất có thể, triển khai các biện pháp quyết liệt để tiêu úng do vậy trên toàn tỉnh không xảy ra úng nghiêm trọng, hạn chế tối đa thiệt hại; Khẩn trương kiểm tra các khu vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do mưa lớn để tiến hành khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống dân sinh, phục hồi sản xuất, hướng dẫn nông dân một số biện pháp khắc phục sau mưa lớn, chăm sóc và bảo vệ cây vụ Đông đã trồng khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận xảy ra, chuẩn bị các điều kiện để trồng cây vụ Đông ưa lạnh đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.