Nghiệm thu công trình Kè chống sạc lở đê bối Lưu Xá, xã Canh Tân, đoạn từ K3+250 đến K3+700 đê Hữu Luộc, huyện Hưng Hà
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Kè chống sạc lở đê bối Lưu Xá, xã Canh Tân, đoạn từ K3+250 đến K3+700 đê Hữu Luộc, huyện Hưng Hà.”
Ngày 22 tháng 02 năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà, Chi cục Thủy lợi và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Kè chống sạc lở đê bối Lưu Xá, xã Canh Tân, đoạn từ K3+250 đến K3+700 đê Hữu Luộc, huyện Hưng Hà.
Công trình do Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà chủ đầu tư với tổng chiều dài L= 482,0m bao gồm: Chiều dài kè và cửa ra phía sông Luộc: 453,0m; chiều dài kênh dẫn lấy nước trước cống: 29,0m.
Đỉnh kè: Cao trình đỉnh kè (+5.30) bằng cao trình dầm đỉnh kè, đỉnh kè là đường bê tông mác 200 rộng B=2,0m dày 15cm, dưới là lớp bê tông lót mác 100 dày 5cm.
Mái kè: Mái kè từ đỉnh kè đến cơ kè, hệ số mái kè m= 2. Kết cấu bằng tấm bê tông mác 200 đúc sẵn kích thước (40x40x15)cm trong khung dầm bê tông cốt thép mác 200 đổ tại chỗ dọc và ngang mái, dưới tấm lát bê tông là lớp đá dăm (2x4)cm dày 10cm và 01 lớp vải địa kỹ thuật. Cứ 10m bố trí một đơn nguyên khung dầm, giữa các đơn nguyên bố trí khe lún bằng 2 lớp giấy dầu tẩm 3 lớp nhựa đường; tiết diện các dầm khung kè: dầm đỉnh bxh=(30x40)cm; dầm chân bxh= (30x50)cm; dầm ngang bxh= (30x25)cm. Trung bình 100m xây 01 bậc lên xuống từ đỉnh kè xuống cơ kè bằng đá hộc xây vữa xi măng mác 100, trát bằng vữa xi măng mác 75 dày 2cm, bậc rộng 2,0m.
Cơ kè: Cao trình mặt cơ kè (+1.40), kết cấu bằng đá lát khan dày 50cm, rộng B≥ 3,5m theo hiện trạng, dưới là lớp đá dăm lót (2x4)cm dày 10cm và 01 lớp vải địa kỹ thuật.
Chân kè: Tại các vị trí mái lòng sông m< 2 gieo đá hộc tạo mái lòng sông m=2 trước khi thả rồng. Từ cao trình (+0.40) trở xuống đến vị trí có mái sông tự nhiên m≥ 3÷4 thả rồng phên thép mạ kẽm lõi đá hộc đường kính 60cm, chiều dài rồng L= 10m song song với dòng chảy. Từ cao trình mực nước thi công (+0.90) xuống đến cao trình (+0.40) là đá hộc gieo phủ đầu rồng.
Đất đắp đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đất đắp đầm nện đạt dung trọng thiết kế γk ≥ 1,45T/m3, độ chặt đảm bảo theo các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật của thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
*. Xây dựng công trình phụ trợ trên tuyến:
Gia cố đoạn kênh dẫn lấy nước trước cống dài 29m (theo tim kênh). Mặt cắt kênh hình thang, chiều rộng đáy B= 3,6m ; cao trình đáy (+1.40), cao trình bờ (+5.30), độ dốc mái m= 2,0. Đáy kênh bằng bê tông mác 200 dày 25cm, dưới lót bê tông M100 dày 10cm. Mái kênh bằng tấm lát bê tông đúc sẵn kích thước (40x40x15)cm trong khung dầm bê tông cốt thép mác 200 đổ tại chỗ dọc và ngang mái, dưới tấm lát là lớp lót bằng đá 2x4 dày 10cm, 01 lớp vải địa kỹ thuật.
Gia cố kè cửa ra phía sông Luộc nối tiếp với tuyến kè dài 22,70m. Chân kè gia cố bằng rồng thép mạ kẽm, lõi đá hộc. Cơ kè tại (+1.40) gia cố bằng rọ đá thép mạ kẽm kích thước (2x1x0,5)m.
Cải tạo lại cống cũ nối tiếp kênh dẫn lấy nước: Kích thước BxH=(2x3,3)m; thân cống dài L=9,45m; cao trình đáy (+1.40); cao trình mặt cống (+5.10); Kết cấu thân cống, tường cánh bằng bê tông cốt thép mác 200, dàn van bằng bê tông cốt thép mác 250. Gia cố kênh dẫn phía hạ lưu 20m bằng tấm bê tông đúc sẵn trong khung dầm bê tông cốt thép mác 200.
Tổng mức đầu tư xây dựng công trình trên là 14 tỷ đồng. Dự án được bố trí bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Dự án được triển khai thi công từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai cũng như góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương.