“Thái Bình khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 01 năm 2023 (tên quốc tế là Talim)”
Sáng nay 17/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tham gia Hội nghị họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai do đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị.
Tại Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí là thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
(Đồng chí: Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình)
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão, đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra công tác tiêu thoát nước, phòng úng; công tác kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú; di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn...
(Đồng chí: Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra công tác ứng phó với bão số 1 tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải)
Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão; Đồng chí Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình giao nhiệm vụ cụ thể ứng phó với bão cho các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Cấm biển từ 12 giờ 00’ ngày 17/7/2023; kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông hoàn thành trước 18 giờ 00’ ngày 17/7/2023.
Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.
Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao vùng cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng.
Đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống, khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.