Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay được thành lập vào ngày 14/11/1945, theo đó, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình được thành lập với tên gọi ban đầu là Ty Nông Lâm Thái Bình. Do chia tách, sáp nhập nhiều lần, nên mặc dù được thành lập khá sớm nhưng gần đây Chính phủ mới có quyết định chính thức công nhận ngày 14/11/1945 là ngày thành lập ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp và hy sinh to lớn của nhiều thế hệ cán bộ công chức, viên chức và bà con nông ngư dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức của ngành qua các thời kỳ luôn đồng cam cộng khổ với bà con nông ngư dân, bám sát đồng ruộng, khai hoang lập đất, quai đê lấn biển, đào sông, xây cống, dẫn thủy nhập điền, khoanh vùng tiêu úng, biến đồng đất từ cảnh chiêm khê, mùa thối thành cánh đồng màu mỡ, sản xuất được 2-3 vụ/năm, viết lên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ như sau:  

 (1) Giai đoạn 1945-1954: là giai đoạn vừa kháng chiến cứu quốc, vừa xây dựng chính quyền non trẻ; bên cạnh những khó khăn chung của cả nước, Thái Bình cũng đứng trước muôn vàn thử thách: 28 vạn người chết đói; 500 quân Tưởng kéo vào quấy phá; đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, hầu hết các phủ huyện trong tỉnh bị lụt, lúa và hoa màu bị mất trắng, tài sản và tính mạng của nhân dân vùng đầu nguồn nước bị tổn thất nặng nề. 

Ngày 10-01-1946,  và ngày 28-4-1946, Bác Hồ về thăm Thái Bình, người nhấn mạnh nhiệm vụ: Trước mắt phải làm tốt 3 việc lớn, chống giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm. Lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ và động viên to lớn đối với nhân dân Thái Bình trong những ngày đầy khó khăn gian khổ đó. Bên cạnh việc sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi, các cấp uỷ Đảng và chính quyền cách mạng đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng cấy lại diện tích lúa bị chết, bước đầu chia lại ruộng công điền và tạm giao ruộng đất, đồn điền, ấp trại vắng chủ cho các gia đình nghèo đói cày cấy. Với khẩu hiệu phổ biến thời đó là "Không để một tấc đất bỏ hoang", "Tấc đất, tấc vàng"; Phong trào sản xuất phát triển mạnh mẽ, không chỉ đối với nông dân, mà cả đối với cán bộ, công nhân viên và học sinh; cùng với chính sách khuyến nông của Chính phủ, tập trung cải thiện hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện cho việc khai hoang đạt kết quả;  Năm 1946-1949 Thái Bình không những tự túc được lương ăn, vải mặc mà còn cung cấp lương thực, bông vải cho tiền tuyến.

 (2) Giai đoạn 1954-1975: Là giai đoạn vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, bảo vệ thành quả cách mạng vừa phải chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt ở Miền Nam.

Trong giai đoạn này, nông nghiệp Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn, do những hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai để lại nhưng với tinh thần tất cả vì Miền Nam ruột thịt và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả cho tiền tuyến lớn Miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cán bộ công chức, viên chức đã cùng bà con nông ngư dân, chắc tay súng, vững tay cày, làm nên quê hương 5 tấn đầu tiên của cả nước (năm 1966), ghi mốc son chói lọi trong trang sử vàng của ngành nông nghiệp Thái Bình.

Nhằm phấn đấu đưa Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt,  Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình, luôn coi sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, phát động cao trào thi đua lao động sản xuất giỏi, trên những cánh đồng đều dựng lên khẩu hiệu “Cánh đồng 5 tấn chống Mỹ”, “Dũng sĩ 5 tấn”. Do vậy, năng suất lúa không dừng lại ở 5 tấn/ha, mà tiếp tục tăng lên, năm 1967 đạt 5,7 tấn/ha, năm 1972 giữa lúc chiến tranh ác liệt vẫn đạt 6,155 tấn/ha, năm 1974 đạt 7,090 tấn/ha. Chăn nuôi lợn thịt năm 1965 đạt 334 nghìn con, năm 1971 lên 437 nghìn con, năm 1975 lên 502 nghìn con. Trong 10 năm (1965-1974), Thái Bình đã đóng góp cho Trung ương 464.663 tấn lương thực, vượt mức kế hoạch được giao. Năm 1972, xí nghiệp đóng tàu Thái Bình đã đóng thành công con tàu công suất máy 90 CV đầu tiên và đưa vào hoạt động, từ đó nghề khai thác cá được vươn ra xa hơn, cùng với phong trào thi đua “Tay lưới, tay súng” mà khai thác thủy sản có bước phát triển vượt bậc, đóng góp hiệu quả cho tiền tuyến lớn. 

Bên cạnh việc tăng gia sản xuất, Thái Bình cũng tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tạo tiền đề cơ sở vật chất xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Một loạt công trình thủy lợi lớn nhỏ được ra đời trong thời kỳ hoàn chỉnh thủy nông, cùng với phong trào “điện, đường, trường, trạm” đã đem lại diện mạo mới cho nông thôn lúc bấy giờ. Ðã xây dựng nhiều cống, đập, trạm bơm tưới tiêu lớn, củng cố tốt các tuyến đê xung yếu, kể cả đê sông và đê biển; giải quyết căn bản bờ vùng, bờ thửa kết hợp với vệ sinh đồng ruộng; tăng cường trang bị công cụ cải tiến để tăng năng suất lao động; giải quyết tốt vấn đề úng, hạn, mở rộng diện tích tưới, tiêu hợp lý, do đó đã biến ruộng 1 vụ thành ruộng 2 vụ, khắc phục tình trạng chiêm khê, mùa thối.

(3) Giai đoạn 1975-1986: Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nền nông nghiệp Thái Bình bước vào thời kỳ đẩy mạnh sản xuất để tạo tiền đề vật chất xây dụng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này điện khí hóa thủy nông phát triển khá mạnh, các trạm bơm điện công suất lớn đã được xây dựng, nhiều HTX xây dựng hệ thống máng nổi, xây dựng trạm bơm điện công xuất nhỏ trên địa bàn xã để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 1988 toàn tỉnh có 544 trạm bơm điện tăng 218 trạm so với năm 1975. Năm 1954 toàn tỉnh có trên 300 km đê thấp, nhỏ đến năm 1988 chiều dài đê tăng 1,9 lần (584 km đê các loại). Thủy lợi hóa đã cung cấp đủ nước cho diện tích đất canh tác, đồng thời góp phần cải tạo đất xấu, tăng năng suất cây trồng. Cơ giới hóa sản xuất cũng bắt đầu phát triển, trên đồng ruộng xuất hiện máy cày, máy kéo thay cho sức trâu, bò; Diện tích đất lúa năm 1986 đạt: 156.596 ha tăng 7.854 ha so với năm 1975; năng suất lúa từ sau năm 1975 liên tục đạt 7-8 tấn/ha. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi lợn vẫn là ngành quan trọng trong phát triển nông nghiệp, hầu hết các HTX mở rộng trại chăn nuôi tập thể, quy mô đàn lợn tăng khá nhanh, làm cho ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

Về thủy sản, sau năm 1975, toàn tỉnh có 14 Hợp tác xã đánh cá được thành lập, trong đó có 05 Hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang chuyên làm thuỷ sản, đông đảo ngư dân trong tỉnh đã gia nhập và hoạt động có hiệu quả; toàn tỉnh có 30 tàu đánh cá có công suất máy 135 – 140 CV và gần 200 tàu có công suất máy 22 – 23 CV; cùng với việc đẩy mạnh phong trào “Ao cá Bác Hồ”, mà nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh cho đến ngày nay. 

(4) Giai đoạn 1986 - 2020: Thực hiện đường lối đổi mới kinh tế của Đảng; đã huy động và giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nhân dân, cùng với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành ở trung ương và sự cố gắng của nhân dân nên nông nghiệp nông thôn Thái Bình có bước phát triển vượt bậc, đạt được những dấu son mới, luôn giành được lá cờ đầu trong phong trào thâm canh tăng năng suất và xây dựng nông thôn mới.

Về trồng trọt, đã tiến hành quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dồn điền đổi thửa và tích tụ tập trung ruộng đất; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện thuỷ lợi hóa, điện khí hóa và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất; nghiên cứu khảo nghiệm đưa các loại giống mới và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, các chế phẩm sinh học mới vào sản xuất. Năng suất lúa ổn định trên 132 tạ/ha/năm, cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng; sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; mở rộng diện tích cây vụ đông thành vụ chính trong năm, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,4 lần; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác trồng trọt năm 2020 đạt 160,65 triệu đồng.

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đến nay đã có 730 trang trại chăn nuôi và trên 7.200 gia trại; trong đó, có 20 trang trại là doanh nghiệp, 130 trang trại chăn nuôi tập trung; có 04 doanh nghiệp đang thực hiện liên kết hợp tác với gần 30 chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tích cực, chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Do vậy, mặc dù những năm qua bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng, H5N1 nhưng chăn nuôi vẫn liên tục đạt được mức tăng trưởng khá cao.

Thủy sản phát triển toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với tổng sản lượng 257 nghìn tấn. Nuôi trồng thủy sản phát triển đa dạng các loại hình (bãi triều, ao đầm, lồng bè); phương thức nuôi chuyển từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh, trong đó có 36,5% diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, quy trình công nghệ hiện đại; năng suất tăng 3-5 lần so với hình thức nuôi thông thường (nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ mới đạt 20-40 tấn/ha/vụ, 3-4 vụ/năm). Tập trung cải tiến ngư cụ, hiện đại hoá phương tiện đánh bắt và cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng tăng năng lực khai thác xa bờ, giảm tàu khai thác ven bờ; hình thành 31 tổ đội khai thác xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản.

Về lâm nghiệp, đã tích cực triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển và trồng cây phân tán nội đồng; đưa diện tích rừng ngập mặn ven biển gần 4.256,54 ha, tạo thành đai rừng khá vững chắc bảo vệ hệ thống đê biển và các cộng đồng dân cư ven biển.

Xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, kịp thời, đã huy động và khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực của nhà nước và nhân dân, tạo ra động lực mạnh mẽ cho chương trình xây dựng nông thôn mới; do vậy kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã huy động cho xây dựng nông thôn mới khoảng 22.236 tỷ đồng tỷ đồng, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, bao gồm: xây dựng, nâng cấp 1.090,22 km đường trục xã; 1.910,93 km đường trục thôn; 3.192,17 km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 2.215 km đường ngõ xóm; Cứng hóa 1.275,51 km kênh mương cấp 1 loại 3; xây dựng và nâng cấp 3.780,58 km đường giao thông nội đồng; 29 trạm bơm; 248 cống đập; Đầu tư mới 23 trạm cấp nước sạch, nâng cấp và mở rộng phạm vi cấp nước 34 trạm cấp nước sạch; 207 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; 85 nhà văn hóa xã; 984 nhà văn hóa thôn; 125 sân thể thao xã; 130 sân thể thao thôn; 180 trạm y tế; 137 chợ nông thôn; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn; 247 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 21 nghĩa trang được quy hoạch và xây dựng mới; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 6.100 nhà ở cho người có công, người nghèo...; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (năm 2015 đạt 48,5%); sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nghề và làng nghề ở nông thôn phát triển mạnh, tạo nhiều công ăn việc làm và góp phần tăng thu nhập cho người lao động; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét.

Đến hết năm 2019, tỉnh Thái Bình là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên trên cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XIX đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 4 xã (Hồng An, Hồng Minh huyện Hưng Hà; Đông Lâm, Tây Giang huyện Tiền Hải), đang hoàn thiện thủ tục công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 07/07 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, Thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ quyết định công nhận là tỉnh thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về thủy lợi, đã tham mưu cho tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành ở trung ương xử lý tốt việc cấp bù thủy lợi phí, giảm sự đóng góp của nhân dân và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, khắc phục khó khăn về úng, hạn; chủ động cung cấp nước có chất lượng cho sản xuất, dân sinh. Bên cạnh việc củng cố, nâng cấp, duy trì năng lực của hệ thống thủy lợi, một loạt công trình trọng điểm được đầu tư theo hướng hiện đại: Nâng cấp cứng hóa trên 157,5 km đê, trong đó có trên 70 km đê biển, 25,10 km kè, cơ bản xóa bỏ các trong điểm xung yếu phòng chống lụt bão; xây dựng các trạm bơm lớn như: Quỳnh Hoa, Minh Tân, Hậu Thượng, Nguyên Tiến Đoài, Tân Phúc Bình, Đông Tây Sơn; Thống Nhất... Xây dựng cống Trà Linh, cống Lân, cống Tân Đệ; kiên cố hóa  343,0 km kênh mương; cải tạo, xây mới 1.634 cống đập nội đồng, 117 trạm bơm nhỏ; nạo vét 4.375.096,0 m3 sông trục dẫn; làm cho cơ sở vật chất về nông nghiệp được tăng cường đáng kể, phục tốt sản xuất, cũng như công tác phòng chống lũ bão, thiên tai.